Lượt xem: 357

Dưa hấu “Mỏ Ó” vào mùa thu hoạch

Thời điểm hiện tại nếu có dịp đến ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, mọi người sẽ được tận mắt nhìn ngắm cánh đồng dưa hấu rộng lớn. Từng ruộng dưa xanh tốt, trái to tròn nằm dày đặc trên nền đất, trong đó có nhiều ruộng dưa đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, đã tạo nên khung cảnh lao động hăng say, vui tươi trên khắp cánh đồng.

 


Ông Trần Văn Nông, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề bên ruộng dưa hấu của gia đình đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Ảnh Thúy Liễu

 

    Rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, khi trồng dưa hấu chỉ gọi tên chung chung, thì tại ấp Mỏ Ó, trái dưa hấu sẽ gắn liền với tên vùng đất “sản sinh” ra trái dưa, để phân biệt dưa hấu của bà con ấp Mỏ Ó trồng được, với các địa phương khác. Theo nhiều bà con nông dân trồng dưa hấu lâu năm, sở dĩ tên dưa gắn luôn tên địa phương, vì bà con muốn quảng bá “thương hiệu” dưa hấu Mỏ Ó đến người tiêu dùng, bởi khi ăn dưa chắc chắn mọi người sẽ không bao giờ quên hương vị đặc biệt của trái dưa, do dưa rất ngon ngọt.

    Ghé thăm ruộng dưa hấu của ông Triệu Văn Út Nhỏ, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, đúng thời điểm ruộng dưa thu hoạch để cung ứng cho thương lái, đang đậu xe tải chờ sẵn trên đường kế ruộng dưa. Ông Út Nhỏ tay nhanh thoăt thoắt, cắt từng quả dưa bỏ vào giỏ, mồ hôi ướt cả chiếc áo mặc trên người, nhưng trên môi anh luôn nở nụ cười, bởi vụ dưa hấu đầu của năm 2023 trúng mùa được giá. Ông Út Nhỏ bộc bạch, tôi trồng tổng số 4 công dưa hấu, trong đó có 2 công dưa vừa thu hoạch xong và tiếp tục thu hoạch thêm 1 công dưa nữa, sản lượng dưa thu về 17 tấn, giá bán 7.500 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận 60 triệu đồng/3 công. Theo đó, 1 công dưa hấu còn lại trong 2 ngày tới sẽ thu hoạch dứt điểm, ước tổng số tiền thu về của một vụ trồng dưa, sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận là 80 triệu đồng/4 công.

    Đi khắp ruộng dưa hấu của gia đình, quan sát những trái dưa đang chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch, ông Trần Văn Nông, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề chia sẻ: “Nhờ trồng dưa hấu mà đời sống gia đình tôi ngày một khấm khá hơn. Trước đây diện tích 2 công đất trồng dưa dùng trồng dây thuốc cá, cả năm mới thu hoạch dây thuốc cá 1 lần và lợi nhuận từ cây thuốc cá thấp không đủ chi dùng trong gia đình. Do đó, khi thấy nhiều hộ dân xung quanh trồng dưa hấu, tôi bỏ trồng dây thuốc cá chuyển sang trồng dưa hấu. Dưa hấu phù hợp thổ nhưỡng sinh trưởng rất tốt, năng suất trái cao, chất lượng ngon nên được thị trường ưa chuộng. Tính đến nay, tôi trồng dưa hấu hơn 15 năm nhưng giá bán trái dưa hấu Mỏ Ó bao giờ cũng ở mức 6.500 đồng - 9.000 đồng/kg, đầu ra trái dưa ổn định, góp phần đảm bảo nguồn thu nhập cho hộ dân trồng dưa”.

    Cũng theo ông Nông chia sẻ, với 2 công dưa hấu của gia đình, tầm 3 ngày nữa sẽ thu hoạch ước sản lượng trên 10 tấn trái, giá bán bình quân từ 7.500 đồng - 8.500 đồng/kg, trừ chi phí đem về lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/2 công/vụ. Như vậy, bình quân 1 năm ông Nông trồng 3 vụ dưa hấu, tính ra ông sẽ thu về số tiền hơn 120 triệu đồng/2 công dưa. Số tiền trên cao hơn gấp nhiều lần, so với trồng dây thuốc cá trước đây. Dự kiến của ông Nông là sau khi thu hoạch dưa hấu đầu vụ xong, ông sẽ cải tạo lại đất để xuống giống các vụ dưa, tiếp theo trong năm 2023”.

    Tạm biệt ông Út Nhỏ, ông Nông, chúng tôi đến tham quan ruộng dưa hấu hữu cơ của ông Triệu Văn Út, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề. Gặp khách ông Út nhiệt tình dẫn đi tham quan ruộng dưa và hái dưa xẻ ngay tại ruộng, mời khách thưởng thức hương vị ngọt dịu, thanh mát của trái dưa hấu trồng theo quy trình hữu cơ. Ông Út tâm tình, tôi chuyển đổi từ trồng dưa truyền thống, sang trồng dưa hữu cơ vào năm 2019, thông qua sự hỗ trợ của Tập đoàn Quế Lâm về phân bón hữu cơ, thuốc sinh học và kỹ thuật canh tác suốt mùa vụ trồng dưa. Khi được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ trồng dưa, tôi trồng hơn 1 công dưa hữu cơ để thử nghiệm, dưa sau thu hoạch đạt năng suất tốt, chất lượng dưa ngon hơn so trồng truyền thống, đặc biệt là giảm chi phí đầu tư 20% - 30%.

    Sau vụ đầu trồng dưa hữu cơ đạt năng suất, lợi nhuận cao và được Tập đoàn Quế Lâm ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra, với giá thu mua cao hơn dưa cùng loại không trồng hữu cơ 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg; từ đó tôi quyết định mở rộng trồng dưa hấu hữu cơ hết diện tích đất còn lại là 4,5 công, nâng tổng số diện tích trồng dưa hấu hữu cơ lên 6 công. Để đảm bảo chất lượng dưa hấu, ngoài áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác của Tập đoàn Quế Lâm hướng dẫn, tôi còn triển khai trồng dưa bằng cách phủ bạt trên luống trồng dưa, còn phía dưới nền đất trong ruộng dưa được trải lưới để dây dưa và trái dưa không chạm đất, đảm bảo dưa không dính bùn đất. Nhờ đó, hình thức bên ngoài trái dưa rất đẹp, dưa đến thu hoạch đạt trọng lượng 3 kg - 5 kg/trái. Hiện tại, ruộng dưa hấu của tôi đang chuẩn bị thu hoạch, ước sản lượng hơn 30 tấn/6 công, giá bán từ 8.000 đồng - 9.000 đồng/kg, trừ chi phí thu về lợi nhuận hơn 120 triệu đồng, ông Út cho biết thêm.

    Theo đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin, diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn huyện ước 60ha, trong đó 22ha dưa hấu trồng tập trung tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình. Đây là khu vực trồng dưa hấu chuyên canh của huyện, bởi dưa rất phù hợp thổ nhưỡng địa phương nên chất lượng dưa rất ngon và dưa hấu Mỏ Ó có giá bán luôn cao hơn dưa hấu ở một số địa phương khác; đồng thời, dưa hấu trồng theo hướng hữu cơ và hữu cơ giá bán dưa cũng cao hơn tầm 25% - 30% dưa hấu trồng cùng loại.


Hộ dân trồng dưa hấu, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề tất bật thu hoạch dưa cung ứng cho thương lái. Ảnh Thúy Liễu

 

    Bên cạnh đó, dưa hấu Mỏ Ó có đầu ra ổn định, do thị trường ưa chuộng vì chất lượng dưa ngon nên đến mùa thu hoạch dưa, thương lái tìm đến tận ruộng thu mua hết sản lượng dưa hấu của bà con trồng được. Hiện tại, ấp Mỏ Ó đã thành lập 1 hợp tác xã trồng dưa hấu, có hơn 20 thành viên tham gia. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục vận động hộ dân tham gia vào hợp tác xã, để tăng sản lượng dưa cùng chất lượng nhằm thuận lợi trong việc kêu gọi công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm dưa hấu sau thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân trồng dưa, đồng chí Trần Hoàng Dũng cho biết thêm.

    Dưa hấu Mỏ Ó là trái dưa rất được khách hàng, trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi trái dưa có hình thức đẹp, độ ngọt cao. Do đó, để duy trì và nâng chất lượng trái dưa hấu vùng đất Mỏ Ó, thiết nghĩ bà con trồng dưa hấu cần tiếp tục áp dụng các kỹ thuật mới vào quá trình canh tác dưa. Cùng với đó, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học trong canh tác dưa, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa đảm bảo dưa đạt chất lượng tốt, vừa an toàn sức khỏe người canh tác và người tiêu dùng.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 8295
  • Trong tuần: 79,002
  • Tất cả: 11,802,322